Chân dung nhà văn Phan Khôi , người dịch Kinh Thánh

Bản Kinh Thánh mà hầu hết những tín hữu Tin Lành Việt Nam đã sử dụng trong vòng mấy chục năm qua, kể từ năm 1926 là lần xuất bản đầu tiên cho đến nay và chắc cũng sẽ còn dùng cho đến lâu dài về sau nầy nữa, đó chính là bản dịch mà nhà văn Phan Khôi (PK) đã góp phần rất lớn trong đó.
PK dịch cuốn Kinh Thánh lúc bấy giờ mất bao nhiêu thời gian ? Theo Trần Mạnh Thường cho biết: “Ông lại ra Bắc ở Hội Tin Lành. Ông chuyên dịch Kinh Thánh, chữ Nho ra Quốc ngữ. Ông dịch khá tốt. Làm được 1 năm, ông lại vào Nam kiếm việc.” (13) Bà Phan Thị Nga (vợ của nhà văn Hoài Thanh, đặc phái viên của báo Ngày nay do Nhất Linh chủ trương) cũng cho biết về PK khi dịch Kinh Thánh cho hội Tin Lành, “làm được một năm ông lại thôi.”. Nhà báo Vu Gia cho rằng chi tiết nầy không đúng, “vì với thời gian ấy, Phan Khôi không tài nào dịch xong bộ sách ấy” (14). Và ông (VG-NV), qua sưu tầm tư liệu về PK, thì phát hiện ra rằng “Phan Khôi dịch cuốn Kinh Thánh trong khoảng thời gian 5 năm”(15). Trên Phụ nữ Tân văn, số 74, ngày 16. 10. 1930, (sau khi Mục Sư W. C. Cadman, chủ nhiệm tờ Thánh Kinh báo lúc bấy giờ có gởi biếu PK, khi báo ra số đầu tiên) PK có viết bài “Giới thiệu và phê bình Thánh kinh báo”, trong đó có đoạn: “Sau hết, tôi xin có lời cảm ơn ông bà mục Sư Cadman đã gởi tặng tập báo nầy cho tôi. Vì tôi làm chung việc dịch Kinh thánh với ông trong 5 năm (1920-1925).”

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Xuân viết: “Từ năm 1919, sau khi dịch bảy sách trong Tân ước, vợ chồng W. C. Cadman được sự giúp đỡ của văn sĩ Phan Khôi (1887 – 1960) dịch Cựu ước ra quốc ngữ và đến năm 1925 thì họ hoàn tất.” (16) Như vậy, để có được bản Kinh Thánh tiếng Việt toàn bộ cả Cựu Ước và Tân Ước cho những tín hữu Tin Lành đọc như ngày hôm nay, dịch giả Phan Khôi đã mất 5 năm dài có hơn. Thật là cả một công trình đáng trân trọng lắm vậy. Mục Sư Lê Hoàng Phu cho biết: “Gia đình Cadman tiếp tục công tác dịch Kinh Thánh năm 1919, lần nầy với sự cộng tác của ông Phan Khôi, một học giả và văn sĩ lỗi lạc, đã ở với họ trong 10 năm. Họ hoàn tất Cựu Ước năm 1925, sau khi đã duyệt xét kỹ lưỡng bởi các văn sĩ, mục sư, giáo sĩ, kể cả Olsen, toàn bộ Kinh Thánh đã được in tại Hà Nội năm 1926. Vừa khi cuốn Kinh Thánh Việt Nam in xong, ông Phan Khôi nhận chức Chủ nhiệm một tờ báo quan trọng “với giá lương gấp bội hơn lương có thể trả cho ông để dịch Kinh Thánh”. Chẳng bao lâu, họ Phan khởi xướng “phong trào Thơ mới” đã làm rung chuyển cả những truyền thống văn học từ bao thế kỷ ở trong xứ và cũng phóng ông lên địa vị lãnh đạo các đoàn thể văn học. Giá trị của công việc ông về bản dịch Kinh Thánh năm 1926 vẫn còn được các độc giả Việt Nam ưa thích.” (17)
Về giá trị của bản dịch Kinh Thánh năm 1926, có một số người nhận xét rằng: Nhà báo Vu Gia viết: “Nhìn chung, đây là bản dịch tốt. Nhưng nói như vậy, chẳng khác nào khen phò mã tốt áo, bởi thời gian đã khẳng định bản dịch ấy rồi.” (18). Nhà văn Tô Hoài nhận xét: “Kinh thánh cả Tân ước, Cựu ước của hội đạo Tin Lành , người ta bảo ông(PK-NV) dịch thuê, khi ấy ở Hải Phòng, tôi cũng có đọc. Có chương Nhã ca lời rất thơ” (19). Trong tác phẩm Người Quảng Nam, nhà thơ Lê Minh Quốc viết về việc PK dịch Kinh Thánh như sau: “Giai đoạn này, ông đã làm một việc khó ai ngờ là sử dụng bản chữ Hán đối chiếu với bản chữ Pháp để dịch Kinh thánh cho hội Tin Lành. Bản dịch của ông câu cú gẫy gọn, trong sáng, văn phạm chuẩn mực, chứng tỏ một trình độ học vấn uyên thâm.” (20)

Đó là nhận xét của một số người “ngoại đạo” có uy tín về bản Kinh Thánh xuất bản năm 1926 của người Tin Lành. Còn với những tín hữu Tin Lành Việt Nam mấy mươi năm qua cho đến ngày nay, thì sao? Tôi tin chắc rằng bản Kinh Thánh Việt ngữ xuất bản năm 1926 đã ăn sâu vào trong tâm khảm của những tín hữu Tin Lành tại Việt Nam, tôi được biết có nhiều tín hữu Tin Lành đã thuộc nằm lòng khá nhiều câu Kinh theo bản dịch ấy đến nỗi khó có thể thay đổi đi được trong tâm họ. Thậm chí có không ít những Mục Sư, tín hữu Tin Lành quả quyết rằng chỉ có bản dịch Kinh Thánh năm 1926 của nhà văn Phan Khôi là số một mà thôi, không bản dịch nào hơn cả và rồi họ chỉ dùng độc có bản dịch đó để đọc, để học, để chia sẻ, để giảng dạy. Nói như vậy để cho thấy rằng bản dịch Kinh Thánh năm 1926 đã có một chỗ đứng rất vững vàng trong lòng rất nhiều những người theo đạo Tin Lành tại Việt Nam trong một thế kỷ trôi qua. Ngoài nhà văn, dịch giả PK ra, được biết còn có nhà văn, dịch giả Trần Văn Dõng, cũng có góp phần trong việc dịch Kinh Thánh ra Việt ngữ nữa.
Bản thân tôi, nói thật lòng, cũng rất thích bản dịch năm 1926, vì nó chứa nhiều chất giọng của quê hương Quảng Nam của tôi trong đó, mặc dù tôi vẫn sưu tầm, tham khảo, tra cứu nhiều bản dịch Kinh Thánh khác để xem và để sử dụng khi có cần cho công việc viết lách, khảo cứu của mình. Nhưng dầu sao, chúng ta cũng phải công nhận điều nầy, bản dịch năm 1926, cho đến nay, nhất là với thế hệ lớn lên trong thời đại toàn cầu hoá nầy, đã có nhiều chữ khó hiểu với họ, hơn là những bản dịch Kinh Thánh Việt ngữ hiện đại của người Tin Lành mới được xuất bản trong vòng gần hai thập niên trở lại đây.

Nói tóm lại, mặc dù bản dịch năm 1926, cho đến nay, có những chỗ chưa sát với nguyên bản, hay có những chữ khó hiểu cho thời đại ngày nay, như đã nói ở trên, thì nó vẫn là bản dịch rất đáng trân trọng cho chúng ta, nhất là trong không khí những tín hữu Tin Lành đang chuẩn bị để tổ chức Lễ Kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến trên xứ sở Việt Nam thân yêu của chúng ta vào giữa năm 2011. Tôi tin chắc rằng những tín hữu Tin Lành sẽ không thể nào không biết ơn các bậc tiền bối đã có nhiều công khó để cống hiến cho họ một bản dịch Kinh Thánh Việt ngữ như đã có ngày nay, trong đó không thể không nhắc đến tên tuổi của nhà văn, dịch giả PK.

Đạo Tin Lành đến Việt Nam với cái mốc được ấn định là năm 1911 và vùng đất Quảng Nam chính là cái nôi để đạo Tin Lành được hình thành và phát triển, lớn mạnh cho đến nay đã ngót nghét 100 năm. Quả đúng là “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm”. Ngày nay và cả sau nầy nữa, khi đề cập đến những bản Kinh Thánh Việt ngữ, thì người ta, nhất là những tín hữu Tin Lành Việt Nam, không thể nào không nhắc đến tên tuổi của PK, đóng góp của PK, nhắc đến với lòng biết ơn và trân trọng vậy.

Là một người được sinh ra và lớn lên từ vùng đất Quảng Nam yêu dấu nầy, tôi rất vui vì có một người Quảng Nam quê mình đã góp phần dịch Kinh Thánh của người Tin Lành ra Việt ngữ như đã có ngày nay. Với tôi, khi đọc bản dịch Kinh Thánh năm 1926, tôi tìm thấy được chất giọng của người quê tôi trong đó và cảm thấy vui vui làm sao ấy. Nhà báo Vu Gia có viết: “Là kẻ ngoại đạo, nên nghe người biết chuyện nói vậy thì hay vậy, song khi đọc xong, tôi cũng tin bản dịch tôi đang có(cuốn Kinh Thánh do Nhà xuất bản Hà Nội xuất bản năm 1998-NV) là bản dịch của Phan Khôi, hoặc ít ra 80%- 90% là của Phan Khôi. Vì khi đọc, tôi dễ dàng nhận ra chất-giọng-đặc-sệt-Quảng-Nam trong bản dịch. Có thể nói rằng, lật bất cứ trang nào, ta cũng có thể gặp cái chất-giọng-đặc-sệt-Quảng-Nam ấy.” (21). Rồi Vu Gia dành hai trang (từ trang 382 đến 384) để trích dẫn các câu Kinh Thánh mang đậm chất giọng Quảng Nam từ sách Sáng thế ký cho đến sách Công vụ các sứ đồ. Xin được trích một vài câu trong rất nhiều câu mà Vu Gia đã dẫn trong sách của mình như sau (chỉ trích những từ mang chất giọng Quảng Nam mà thôi): hột (Sáng thế ký 1: 11), Mà chi! (Sáng thế ký 3: 1), Hè! (Sáng thế ký 11: 1), Ngộ (Sáng thế ký 18: 30), lấy chi (Lu ca 14: 34), giữ lấy y như (I Cô rinh tô 15: 2)… Ngoài ra, ông còn dành đến gần 6 trang trong sách của mình (từ trang 385 đến 390) để trích những câu Kinh Thánh trong các sách Văn thơ từ Gióp cho đến Nhã Ca mà nhiều người cho là PK dịch hay nghe như … thơ.

Ngày 12. 3. 2009, để có thêm tư liệu viết bài nầy, tôi có đến tận làng Bảo An, Xã Điện Quang, Huyện Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam, là quê hương của PK và gặp được một người bà con trong tộc của nhà văn, kêu nhà văn bằng chú trong họ, tên anh là Phan On, nay độ 60 tuổi, hiện làm cán bộ ở Xã Điện Quang, anh tiếp tôi tại nhà anh rất vui vẻ và tôi được biết thêm một số thông tin về nhà văn qua anh. Anh cũng có cho tôi mượn một số sách viết về PK để tôi tham khảo thêm. Tôi có hỏi nơi ở của nhà văn ngày xưa, nay có còn di tích gì không thì được anh cho biết là chỉ còn mảnh đất mà nay người khác cũng đã làm nhà lên trên đó rồi, không còn di tích gì cả. Tôi hỏi anh về phần mộ của nhà văn nay nằm ở đâu thì được anh chỉ chỗ cho tôi biết là ở xứ Cửa Truông, Thôn Tân Phong, Xã Duy cho Châu, Huyện Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam (đường vào đập Vĩnh Trinh).

Ngày 13. 3. 2009, tôi đến thăm phần mộ của nhà văn theo địa chỉ mà anh Phan On đã cho. Phần mộ của nhà văn nằm sát dưới chân một ngọn đồi, đường cũng hơi khó đi, tôi phải đi bộ một đoạn mới lên đến được mộ của nhà văn. Thì ra, mộ của nhà văn PK, tác giả của bài thơ “Tình già” nổi tiếng, một trong những nhà văn, nhà thơ, nhà báo mà tôi yêu mến, người dịch Kinh Thánh của đạo Tin Lành ra Việt ngữ nằm ở tại đây, gần con đường mà tôi đã đi qua, đi lại rất nhiều lần, vậy mà tôi không hề hay biết gì cả. Mộ của nhà văn nằm ở một chỗ thật nên thơ và được làm khá kỹ lưỡng và chắc chắn. Đó là song mộ của hai vợ chồng nhà văn. Tôi xem bia mộ của nhà văn được khắc trên đá hoa cương rất đẹp, một bên ghi tiểu sử của nhà văn, một bên ghi bài thơ “Tình Già” của ông. Phần cuối tiểu sử có ghi: “Tác phẩm đã viết và dịch: Chương Dân Thi Thoại (1936), Trở Vỏ Lửa Ra (1939), Việt Ngữ Nghiên Cứu (1955), Kinh Thánh (1920-1925), các tuyển tập Lỗ Tấn (1955, 1956, 1957)…” Tôi rất vui khi thấy tên tác phẩm Kinh Thánh có ghi trong tiểu sử của ông. Điều đó nói lên đóng góp của một người Quảng Nam vào trong sự phát triển của đạo Tin Lành trên đất nước Việt Nam thân yêu nầy.

Theo tôi, những đóng góp của PK cho nền văn chương nước ta quả là không nhỏ, trong đó có bản dịch Kinh Thánh của người Tin Lành ra Việt ngữ của ông là một đóng góp khá xuất sắc. Thế nhưng hiện nay ở vùng Quảng Nam và Đà Nẵng, nói riêng và cả nước, nói chung vẫn chưa có một con đường mang tên nhà văn tài năng nầy của đất học Quảng Nam. Ước mong trong tương lai gần đây, sẽ có con đường mang tên Phan Khôi ở trên đường phố của quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng và trên cả nước.
Mong lắm thay điều đó!

Nguyễn Đình Bùi Thị – (Thăng Bình, Quảng Nam)

http://hoithanh.com/Home/tin-tuc/1620-nha-van-phan-khoi-nguoi-tham-gia-dich-kinh-thanh-ra-viet-ngu.html#.Utj9GNKSxOI