Bánh sự sống (dưỡng linh)

BÁNH SỰ SỐNG

Tác giả : Warren W Wiersbe

Hãy làm việc, chớ vì đồ ăn hay hư nát, nhưng vì đồ ăn còn lại đến sự sống đời đời.(Giăng 6:27). Sao các ngươi trả tiền để mua đồ không phải là bánh? Sao các ngươi đem công lao mình đổi lấy vật chẳng làm cho no? (Ê-sai 55:2) .Bởi chưng bánh Đức Chúa Trời là bánh từ trên trời giáng xuống, ban sự sống cho thế gian. (Giăng 6:33)                                       Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng ta chẳng hề đói, và ai tin ta chẳng hề khát. (Giăng 6:35) . Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ ai tin thì được sự sống đời đời. Ta là bánh của sự sống. (Giăng 6:47-48)  . Ta là bánh hằng sống từ trên trời xuống; nếu ai ăn bánh ấy, thì sẽ sống vô cùng. (Giăng 6:51)  . Ấy là thần linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích chi. Những lời ta phán cùng các ngươi đều là thần linh và sự sống. (Giăng 6:63)    Ngôi-Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha. (Giăng 1:14)

Chỉ có hai phép lạ của Đức Chúa Giê-su được chép trong cả bốn sách Phúc Âm đó là: Sự sống lại của Đức Chúa Giê-su và phép lạ Đức Chúa Giê-su hóa bánh cho năm ngàn người ăn (Ma-thi-ơ 14; Mác 6 ; Lu-ca 9; Giăng 6). Trong sự thuật lại về phép lạ hóa bánh cho năm ngàn người ăn, cả bốn tác giả đều nói về việc mà Đức Chúa Giê-su đã làm, nhưng chỉ có Mác nói cho chúng ta biết tại sao Ngài đã làm điều đó – ấy là bởi vì Ngài động lòng thương xót đến đoàn dân đông (Mác 6:34).

Trong ghi chép của Giăng, Đức Chúa Giê-su đã bày tỏ lòng thương xót của Ngài qua ba cách: Ngài chu cấp thức ăn cho đoàn dân đông đang đói mệt (Giăng 6:1-15). Ngài giải cứu môn đồ của Ngài khỏi hiểm nguy (Giăng 6:16-24), và Ngài ban bánh của sự sống cho một thế gian đầy những tội nhân đang đói khát thuộc linh (Giăng 6 :25-71). Đức Chúa Giê-su đã thi hành phép lạ này không chỉ để đáp ứng những nhu cầu của con người mà Ngài còn đem đến một bài giảng hết sức sâu sắc về “bánh sự sống,” một bài giảng mà thế giới hư mất của chúng ta ngày hôm nay cần được nghe đến. Thế gian này cần phải có Chúa Giê-su, bởi vì chỉ duy Ngài mới là bánh sự sống.

  1. LÒNG THƯƠNG XÓT ĐỐI VỚI ĐOÀN DÂN ĐÔNG

Người ta mắc một sai lầm rất nghiêm trọng khi họ quả quyết rằng Kinh Thánh là một quyển sách đã lỗi thời về những người cổ đại đã sống trong một nền văn hóa lạc hậu, chính vì vậy mà Kinh Thánh chẳng có gì để nói với chúng ta ngày hôm nay. Nhưng lý do mà hầu hết mọi người phớt lờ hay hoàn toàn gạt bỏ Kinh Thánh không phải là bởi những mẫu nhân vật hay những câu chuyện hoàn toàn khác xa cuộc sống ngày hôm nay, nhưng là bởi vì những nhân vật Kinh Thánh và những con người hiện đại ngày hôm nay rất đỗi giống nhau! Vào ngày 2 tháng 9, năm 1851, Henry David Thoreau đã nói, “Khi chúng ta càng biết nhiều về những con người thời xưa, chúng ta sẽ càng nhận ra rằng họ đã rất giống với những người trong thời hiện đại chúng ta ngày hôm nay.” Khi đọc Kinh Thánh với tấm lòng ao ước được học biết một cách chân thành, chúng ta sẽ sớm tìm thấy chính mình trong những trang Kinh Thánh đó và nhận ra thật sự bản thân mình là ai, cùng với những trải nghiệm không phải lúc nào cũng dễ chịu.

Vào một sáng Chúa Nhật, khi tôi là vị diễn giả khách mời tại một Hội Thánh nọ, và sau buổi nhóm thờ phượng có một người đàn ông đã đến với tôi và hỏi, “Ai là người đã nói với ông về tôi vậy, thưa Mục Sư?”

“Tôi xin lỗi ông,” tôi đáp lại, “nhưng tôi thậm chí không biết ông. Chẳng có ai nói với tôi bất cứ điều gì về ông hay một ai khác trong Hội Thánh cả. Ở đây tôi là một người lạ.”

“Thật à, tôi lại nghĩ đã có ai nói với Mục Sư điều gì đó,” ông ấy trả lời, và sau đó quay lưng bỏ đi rất giận dữ. Ông ta đã bắt gặp chính mình trong Kinh Thánh, đã thấy khuôn mặt nhơ bẩn của mình trong gương, nhưng đã bước đi và cố quên hình ảnh ông đã trông thấy mình như thế nào (Gia-cơ 1:22-24).

Bạn càng xem xét kỹ đoàn dân đông đi theo Chúa bao nhiêu, bạn sẽ càng khám phá ra rằng họ giống với con người ngày hôm nay biết bao nhiêu. Dù cho họ có là những người hâm mộ của một trận bóng đá, là những thanh thiếu niên tại một buổi biểu diễn nhạc rock, hay là những khách hàng tại một trung tâm mua sắm đi chăng nữa thì đám đông vẫn là đám đông và con người vẫn là con người. Những con người trong đám đông mà Đức Chúa Giê-su đã hóa bánh tại phía đông bờ biển Ga-li-lê cũng giống như bạn, tôi và những con người trong “đám đông” chúng ta ngày hôm nay cũng vậy.

  1. Họ đang đói. Đói là thứ mà Đức Chúa Trời đã tạo nên trong cơ thể con người để nhắc chúng ta phải ăn, bởi vì nếu không có thức ăn và nước, chúng ta sẽ chết. Nhưng có một sự đói thuộc linh sâu xa hơn trong tấm lòng con người mà không thể nào thỏa mãn được bằng bất cứ điều nào khác hơn là chính Đức Chúa Trời cùng những sự ban cho bởi ân điển mà Ngài dành cho chúng ta. Augustine đã viết “Chính Ngài đã dựng nên chúng tôi cho Ngài, và tấm lòng chúng tôi chỉ được yên nghỉ thật sự khi nó ở trong Ngài.”

Nhưng thật đáng thương làm sao khi con người thờ ơ với Đức Chúa Trời, Đấng duy nhất có thể thỏa mãn cơn đói sâu kín nhất ở bên trong họ. Họ đã dùng đồng tiền vào những thứ khác vốn không có sự bền vững cũng như chẳng thể đem đến cho họ hạnh phúc. Tiên tri Ê-sai đã hỏi “Sao các ngươi trả tiền để mua đồ không phải là bánh? Sao các ngươi đem công lao mình đổi lấy vật chẳng làm cho no? Bạn có thể mua giấc ngủ nhưng không có được bình an, mua những cuộc vui chơi nhưng không có niềm vui, mua danh tiếng nhưng không có phẩm chất. Triết học gia người Pháp Pascal đã nói, “Tất cả những thứ không mang lại hạnh phúc đó của con người đều là sự thật rất rõ ràng vốn không thể nào ở yên một chỗ ngay cả trong chính phòng riêng của mình” (Tư Tưởng-Pensees, đoạn 2, ≠ 139). Chúng ta không thể sống hòa thuận với người khác bởi vì chúng ta không thể hòa thuận với chính mình, và chúng ta sẽ không thể hòa thuận với chính mình cho đến chừng nào chúng ta ở trong mối tương giao với Cha Thiên Thượng bởi đức tin trong Đức Chúa Giê-su Christ. Trong thế giới đầy náo nhiệt với những đám đông này, thì sự yên lặng và nơi vắng vẻ là kẻ thù của niềm vui con người và phải được né tránh. Những con người không chịu yên nghĩ phải chấp nhận lạc mất trong đám đông và luôn giữ mình trong bận rộn với vô số những công việc để thoát khỏi những nhu cầu của cuộc sống.

  1. Họ là những người đang tìm kiếm. Suốt một năm đầu trong chức vụ, trước khi sự chống đối công khai được bắt đầu, Đức Chúa Giê-su đã rất được nổi tiếng và có nhiều đám đông lớn đi theo Ngài. Tuy nhiên, những đám đông đã không khiến Chúa Giê-su cảm động, và Ngài cũng đã không đáp ứng những nhu cầu của họ, bởi vì Ngài hiểu thấu mọi điều trong lòng người ta (Giăng 2:25). Bất cứ ai đều có thể ở trong một đám đông và đi theo như một dòng chảy, nhưng phải thật dũng cảm để có thể đứng một mình vì lẽ thật và đầu phục nó.

Trông có vẻ như là đám đông đã đang tìm kiếm sự phong phú thuộc linh từ nơi Chúa Giê-su, nhưng Chúa đã biết rõ. Hầu hết họ đều muốn thấy những điều lạ lùng, giống như là phép lạ, trong khi một số khác lại quan tâm đến việc có gì để ăn hay không (Giăng 6:26). Một thế hệ sau đó, nhà thơ trào phúng người La-Mã Juvenal đã viết rằng những người La-Mã “đã chậm chạp một cách háo hức chỉ vì hai điều – bánh và những trường đấu.” Nhưng đoàn dân người Do Thái  này thì thật tệ hại, và nhiều đám đông ngày hôm nay cũng như vậy. Sứ đồ Giăng đã gọi họ là “theo thế gian” bởi vì họ chỉ quan tâm đến “sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời” (I Giăng 2:16).

Giống như đám đông ngày hôm nay, họ đã đặt ra nhiều câu hỏi nhưng lại không tiếp nhận những câu trả lời của Chúa. Nếu bạn thật lòng tìm kiếm lẽ thật, đưa ra những câu hỏi thắc mắc để tìm biết là một điều tốt; nhưng phải chắc rằng bạn đã đặt ra những câu hỏi đúng đắn và sẵn sàng để hành động theo câu trả lời sau đó. Lẽ thật giống như một công cụ để chúng ta xây dựng, chứ không phải là một thứ đồ chơi để chúng ta vui đùa. Đức Chúa Giê-su đã phán, “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (Giăng 7:17).

Câu hỏi đầu tiên mà họ đã đặt ra đó là, “Lạy thầy, thầy đến đây bao giờ?” (Giăng 6:25). Sau khi cho đoàn dân ăn, Đức Chúa Giê-su đã đưa các môn đồ đến Ca-bê-na-um trong một chiếc thuyền trong khi Ngài vẫn còn ở lại để cầu nguyện. Ngài đã thấy các môn đồ đang đối đầu với cơn bão, vì thế Ngài đã đi bộ ra ngoài biển để giải cứu họ. Và chiếc thuyền được đậu vào bờ tại Ca-bê-na-um, nơi mà một vài đám đông đã có mặt sẵn ở đó. Đoàn dân biết rằng Chúa Giê-su đã không vào trong thuyền với các môn đồ khi chiếc thuyền thả neo, cũng như Ngài đã không đi bộ quanh hồ để đến Ca-bê-na-um với bất kỳ đám đông nào, vì thế không lạ gì khi họ đã bắt đầu bối rối!

Những câu hỏi sau đó đã bày tỏ rõ hơn sự ngu dốt thuộc linh cũng như những ham muốn ích kỷ của họ. “Chúng tôi phải làm chi cho được làm công việc Đức Chúa Trời?” (Giăng 6:28). Đức Chúa Giê-su đã bảo rằng họ phải tin Ngài, nhưng thay vì tin, họ đã đòi hỏi phép lạ (Giăng 6:30-31). Vâng, Ngài đã vừa mới hóa bánh cho hàng ngàn người ăn, thế nhưng họ lại muốn một phép lạ từ trên trời. Vậy thì, có phải Môi-se đã mang bánh từ trời xuống? Đức Chúa Giê-su đã đáp rằng Ngài chính là bánh thật, là bánh từ trên trời xuống, và họ ngay lập tức đã chống đối lại lời tuyên bố của Ngài (Giăng 6:32-59). Người ta vẫn đặt ra những câu hỏi và hy vọng rằng những câu trả lời sẽ là điều mà họ nghĩ rằng họ đã biết rồi. Vì thế họ cần phải cầu nguyện theo như lời của một tín đồ vô danh thế này:

Nhát sợ đã ngăn chặn con kinh nghiệm những lẽ thật mới,

Lười biếng khiến con bằng lòng với một nửa lẽ thật,

Và kiêu căng làm con nghĩ rằng mình đã biết tất cả lẽ thật,

Lạy Đức Chúa Trời của lẽ thật ơi, xin hãy giải phóng chúng con khỏi những điều này!

  1. Họ đã bị mù thuộc linh. Họ không thể hiểu thấu được điều mà Đức Chúa Giê-su đang nói đến. Ngài đang nói một cách rất đơn giản, cũng giống như khi đã ăn thức ăn vào thì nó trở nên một phần trong cơ thể để duy trì sự sống thể xác này, chính vì vậy họ phải nhận Ngài vào trong chính tấm lòng mình và trải nghiệm sự sống thuộc linh, sự sống đời đời mà chỉ đến từ Đức Chúa Trời bởi đức tin. Rồi sau đó họ sẽ được thỏa mãn. Rõ ràng Đức Chúa Giê-su đã nói bằng phép ẩn dụ trong ngôn ngữ rất hình tượng bởi vì Ngài biết rằng nó khác với luật pháp Môi-se dành cho dân Do Thái  về việc ăn thịt con người hay là uống huyết (Sáng-thế ký 9:4; Lê-vi ký 3:17; 7:26-27; 17:10-16). Nhưng đám đông đã hiểu lời Ngài theo nghĩa đen và bỏ qua toàn bộ ý nghĩa trong thông điệp của Ngài. Khi chúng ta tiếp tục nghiên cứu, chúng ta sẽ khám phá ra rằng sự mù lòa lẽ thật thuộc linh này là một đề tài quan trọng trong sách Phúc Âm Giăng. Giống như nhiều người ngày nay, đoàn dân đã nghĩ rằng sự cứu chuộc là kết quả của việc lành (Giăng 6:28). Họ đã không thể hiểu rằng đó là một món quà từ Đức Chúa Trời đã ban cho con người bởi đức tin (Ê-phê-sô 2:8-9).
  2. Họ đã muốn ngay lập tức được giải thoát khỏi những nan đề mà không phải trả một giá nào. Cuộc sống đã rất khó khăn, và họ đã rất phấn khích khi tìm được một ai đó có thể dễ dàng đáp ứng những nhu cầu của họ. Họ nghĩ rằng có thể Đức Chúa Giê-su là Đấng tiên tri mà Môi-se đã hứa trong Phục-truyền luật-lệ ký 18:17-18, nhưng sau đó họ đã quyết định ép Ngài làm Vua (Giăng 6:14-15). Nếu Đức Chúa Giê-su là Vua , Ngài có thể đánh bại những người La-Mã và thiết lập vương quốc Y-sơ-ra-ên trở lại. Cũng giống như nhiều người ngày hôm nay, họ đã có một “thái độ rất vụ lợi” đối với Chúa Giê-su và muốn Ngài đáp ứng những nhu cầu cá nhân của họ, nhưng họ đã không muốn Ngài giải quyết tội lỗi cũng như thay đổi chính tấm lòng của họ! Đức Chúa Giê-su đã tuyên bố rằng Ngài là “ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU” chứ không phải “Ta là Đấng mà các ngươi muốn Ta trở thành”. Có người muốn Đức Chúa Giê-su chỉ là một thấy dạy đạo nhưng không phải là Chúa hay Đấng Cứu Chuộc, trong khi những người khác lại muốn Ngài ban cho họ một công việc thành công để họ có thể trở nên thạnh vượng. Nhưng chúng ta phải chấp nhận Ngài là chính Ngài, và không tiếp nhận Ngài chỉ một chút hay là một phần. Nếu chúng ta không chấp nhận Ngài là chính Ngài, thì chúng ta cũng sẽ không nhận được Ngài.
  3. Họ thà “làm” điều gì đó để được cứu hơn là tin vào Đấng Cứu Chuộc (Giăng 6:27-29).  Đây chính là dấu hiệu của lòng kiêu ngạo và sự ngu dốt thuộc linh, vì mỗi người dân trưởng thành của Do Thái  đều biết những lời dạy trong Thánh Kinh, nó đã được đọc một cách cẩn thận tại các nhà hội, rằng không ai có thể được cứu bởi việc lành. Phương thức tế lễ thời Môi-se tại đền thờ đã nêu lên một cách sống động về sự chết của một con sinh vô tội thế cho người có tội, và những phân đoạn trong Cựu Ước như Thi Thiên 32 và 51, cũng như Ê-sai 53, đã dạy cho chúng ta biết rất rõ về sự kỳ diệu của ân điển Đức Chúa Trời và những tội nhân cần phải tin nhận Ngài để được sự cứu rỗi. Rõ ràng Đức Chúa Trời đã bỏ qua tất cả những quốc gia khác và chỉ chọn dân Do Thái là một bằng chứng cho thấy sự cứu rỗi là hoàn toàn bởi ân điển Chúa ban chứ không bởi vì chúng ta xứng đáng mà được.

Họ đã không xứng đáng nhận được điều gì, nhưng bởi lòng thương xót Đức Chúa Giê-su đã cho họ ăn, dẫu biết rõ rằng họ cũng sẽ sớm rời bỏ Ngài. “Bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác” (Ma-thi-ơ 5:45). Cuộc sống, chính nó đã là một món quà từ Đức Chúa Trời, và những phương tiện cũng như phương cách để duy trì sự sống cũng vậy, nhưng hầu hết mọi người đều cho đó là điều tất nhiên. Phao-lô đã nhắc những triết gia Hy-Lạp ở A-thên rằng Đức Chúa Trời là Đấng “ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài.” (Công-vụ 17:25). Đức Chúa Cha đã sai Đức Chúa Con “đặng làm Cứu Chúa thế gian” (I Giăng 4:14), và chỉ duy nhất Đức Chúa Giê-su mới có thể ban cho chúng ta bánh sự sống; nhưng nếu chúng ta không tiếp nhận Ngài vào trong chính tấm lòng mình, như thể chúng ta tiếp nhận thức ăn, thì Ngài cũng sẽ không thể cứu chúng ta được.

Đoàn dân đông đã rất giỏi đưa ra những câu hỏi, nhưng họ lại không lưu tâm gì đến câu trả lời của Chúa, cũng như họ chẳng bao giờ suy ngẫm những lẽ thật mà Ngài đã dạy bảo họ. Đức Chúa Giê-su đã báo trước với các môn đồ rằng, mặc dầu được thấy các phép lạ và nghe những điều Ngài dạy, thì đoàn dân cũng không tin nhận Ngài. “Vì họ xem mà không thấy, lắng tai mà không nghe, và không hiểu chi hết” (Ma-thi-ơ 13:13). Đoàn dân đông đã chỉ muốn một vương quốc ở trên đất, nhưng Chúa Giê-su lại ban cho họ một sự tái sanh từ trời.

Cách đây vài năm, khi tôi đang suy ngẫm trong Giăng 6, thì một đoạn thơ nhỏ được ra đời:

Không vấn đề gì quá khó, khi có Chúa chăm lo

Không món quà nào quá nhỏ, nếu bạn dâng lên Ngài cả lòng mình.

 

  1.   LÒNG THƯƠNG XÓT ĐỐI VỚI CÁC MÔN ĐỒ ĐANG GẶP NẠN

Khi các môn đồ thâu lượm những miếng bánh mì và cá còn thừa lại (Mác 6:30-44), họ chắc hẳn phải nghe thấy những điều mà một số người trong đoàn dân nói với nhau:

“Đức Chúa Giê-su có lẽ là Đấng tiên tri mà Môi-se đã hứa sẽ đến. Chúng ta hãy mời Ngài làm Vua đi. Để chúng ta có thể dễ dàng được ăn và được thỏa mãn mà không phải tốn bất cứ thứ gì. Biết đâu Ngài còn có thể giải phóng chúng ta khỏi những người La-Mã và ban cho chúng ta sự tự do.”

Lẽ dĩ nhiên, đoàn dân đông nhốn nháo này đã hoàn toàn không được chuẩn bị để đương đầu với người La-Mã và giành lấy chính quyền, hơn nữa, đó cũng không phải là kế hoạch mà Đức Chúa Giê-su đang nghĩ đến. Mười hai môn đồ đã thường xuyên thảo luận về những vẫn đề liên quan đến quốc gia và cũng đã tranh luận với nhau về việc ai là người lớn nhất, vì thế cuộc nổi dậy của nhân dân cũng trùng khớp với những suy nghĩ trong họ lúc đó (Công-vụ 1:6-9). Đó là lý do tại sao Đức Chúa Giê-su đã thúc giục các môn đồ lên thuyền và trở về Ca-bê-na-um trong khi Ngài cho dân chúng về và lên núi mà cầu nguyện. Mối nguy hiểm đang đe dọa, và Ngài cần phải bảo vệ họ. Đức Chúa Giê-su biết rằng cơn bão đang ập đến nhưng Ngài cố ý phó các môn đồ vào cơn bão đó hơn là để họ bị ảnh hưởng bởi những con người toan tính và vô tín trong đám đông. Vâng, Mười hai môn đồ đã được an toàn ở trên tàu trong cơn bão biển hơn là ở trên đất khô với một nhóm người có động cơ đầy ích kỷ và mù lòa thuộc linh!

Khi Đức Chúa Giê-su cầu nguyện, Ngài vẫn để mắt đến chiếc tàu và thấy rằng Mười hai môn đồ đang gặp nguy hiểm; vì thế chính Ngài đã đi bộ trên mặt nước và đến với họ. (Điều này được chép trong Ma-thi-ơ 14:25-33 khi Phi-e-rơ cùng đi bộ với Ngài trên mặt nước.) Khi Đức Chúa Giê-su và Phi-e-rơ lên thuyền rồi, thì gió yên lặng và ngay lập tức chiếc thuyền đã cập bến tại Ca-bê-na-um. Đó quả thật là một chuỗi phép lạ rất ấn tượng! Ngài đã cho hơn năm ngàn người ăn chỉ với một bữa ăn trưa rất nhỏ. Ngài đã đi bộ trên mặt biển và cũng khiến cho Phi-e-rơ có thể đi được trên mặt biển. Ngài đã dẹp yên cơn bão và ngay khi đó cũng đã mang chiếc thuyền vào bờ biển cách an toàn.

Không thể nói khác hơn nhưng rõ ràng những sự kiện này tựa như một bức tranh về Hội Thánh của Đức Chúa Giê-su Christ đang ở trong một thế gian đầy giông bão và nguy hiểm này. Khi chúng ta vâng lệnh Thầy mình, đôi khi chúng ta sẽ thấy rằng mình mắt kẹt trong những cơn bão và dường như không thể nào bước tới được nữa. Nhưng Thầy của chúng ta ở trên Thiên Đàng đang giúp đỡ chúng ta; Ngài sẽ đến với chúng ta đúng thời điểm. Và Ngài có quyền để giúp chúng ta vượt qua mọi cơn bão cũng như cuối cùng sẽ đem chúng ta đến với mục đích đã được hoạch định sẵn trước đó của Ngài.

Một số người muốn tôn Đức Chúa Giê-su làm vua, nhưng Ngài đã là Vua rồi! “Đức Giê-hô-va ngự trên nước lụt; Phải, Đức Giê-hô-va ngự ngôi vua đến đời đời. Đức Giê-hô-va sẽ ban sức mạnh cho dân sự Ngài; Đức Giê-hô-va sẽ chúc phước bình an cho dân sự Ngài” (Thi-Thiên 29:10-11). “Chúa cai trị sự kiêu căng của biển: Khi sóng nổi lên, Chúa làm cho nó yên lặng.” (Thi-Thiên 89:9). “Ngài ngừng bão tố, đổi nó ra bình tịnh, Và sóng êm lặng.” (Thi-Thiên 107:29).

Trong những năm sau đó, khi các môn đồ đã trải qua những cơn bão của sự hành hại, không còn nghi ngờ gì nữa, họ đã nhớ về kinh nghiệm lạ thường này và nó đã khiến họ trở nên mạnh mẽ. Sau tất cả, thì họ đã không còn ở trong cơn bão chỉ vì họ bất tuân mạng lệnh Đức Chúa Trời, như Giô-na (Giô-na 1-2), nhưng là bởi vì họ đã vâng phục. Họ có thể nói rằng, “Đức Giê-hô-va đã đem chúng ta đến đây và rồi Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua.” Đức Chúa Giê-su đã phán với họ, “Ấy là ta đây”, mà nghĩa đen của nó chính là, “Ta chính là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” (Giăng 6:20). Nếu chúng ta ở trong ý muốn của Đức Chúa Trời, thì Chúa Giê-su sẽ ở bên cạnh chúng ta và chúng ta không cần phải lo sợ gì nữa.

 

  1. LÒNG THƯƠNG XÓT ĐỐI VỚI MỘT THẾ GIAN HƯ MẤT

Đức Chúa Giê-su “đầy ơn và lẽ thật;” cũng như “ơn và lẽ thật bởi Đức Chúa Giê-su-Christ mà đến” (Giăng 1:14,17). Trong ân điển của Ngài, Đức Chúa Giê-su đã cho đoàn dân đói trên sườn đồi được ăn no nê, rồi sau đó trong nhà hội tại thành Ca-bê-na-um Ngài đã chia sẻ về lẽ thật mà phép lạ đó chuyển tải. Ngài đã ban cho họ bánh sự sống nhưng nhiều người đã khước từ món quà đó, họ đã trở lui, và không còn theo Ngài nữa (Giăng 6:66). Đây là cuộc khủng hoảng đầu tiên trong số ba cuộc khủng hoảng được chép trong sách Tin Lành Giăng, một chủ đề mà chúng ta sẽ nói rõ hơn trong chương 8.”

  1. Phép ẩn dụ. Trong Sứ điệp này, Đức Chúa Giê-su đã gọi chính Ngài là “bánh từ trên trời xuống” (xem trong Giăng 6:32,41,40,50,58), “bánh Đức Chúa Trời” (Giăng 6:33), “bánh của sự sống” (Giăng 6:35,48), và “bánh hằng sống” (Giăng 6:51). Ngài vẫn dùng bánh, một thức ăn thiết thực và thân thuộc, để dạy về một lẽ thật thuộc linh: bạn đã đưa bánh vào trong thân thể mình chỉ để duy trì sự sống, nhưng tiếp nhận Đức Chúa Giê-su vào trong tấm lòng bởi đức tin sẽ được ban cho sự sống đời đời. Sau đó Ngài đã đề cập luôn đến việc uống huyết (Giăng 6:53-56), mà rõ ràng là nghĩa đen của nó cũng không hơn gì với việc ăn thịt của Ngài.

Để “ăn” cái gì đó nghĩa là phải tiêu hóa nó và khiến nó trở nên một phần trong cơ thể bạn. Nhưng cách diễn đạt sử dụng phép ẩn dụ của việc ăn là để diễn đạt quá trình của việc hiểu và tiếp nhận những lời tuyên bố được bày tỏ bằng lời. Chúng ta thường nói những điều thế này “À, tôi phải tiêu hóa điều mà bạn vừa nói” hoặc “Tôi không thể nuốt được nó” hay “Đó là thức ăn cho tư tưởng và tôi phải suy nghĩ”. Một Mục sư có thể nói rằng, “Hội Thánh của tôi còn quá non trẻ trong đức tin, vì thế tôi phải đút ăn cho họ cách tận tình.” Một doanh nhân nói với nhân viên của mình, “Nào, đây là một chương trình mà các bạn phải cắn ngập răng vào”. Một sinh viên nói rằng, “Tôi đã đọc ngấu nghiến quyển sách đó”. Dầu diễn tả như vậy nhưng không một ai quan tâm đến nghĩa đen của những câu nói đó.

Thánh Kinh đã sử dụng ngôn ngữ ẩn dụ tương tự như vậy trong việc diễn đạt mối liên hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời và lẽ thật của Ngài. “Khá nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt lành dường bao!” (Thi-Thiên 34:8). “Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi!” (Thi Thiên 119:103). “Tôi vừa nghe những lời Ngài, thì đã ăn lấy rồi; lời Ngài là sự vui mừng hớn hở của lòng tôi vậy” (Giê-rê-mi 15:16). “Thì hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn, nếu anh em đã nếm biết Chúa là ngọt ngào.” (I Phi-e-rơ 2:2-3; cũng xem trong Hê-bơ-rơ 5:11-14). “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ 4:4). Tiên tri Ê-xê-chi-ên và Sứ đồ Giăng đều được nhận mạng lệnh ăn nuốt cuốn sách của Chúa hầu cho họ có thể công bố lẽ thật của Đức Chúa Trời (Ê-xê-chi-ên 2:1-3:3; Khải huyền 10).

  1. Sự hiểu lầm. Thay vì nhận thức rõ ý nghĩa thuộc linh của phép ẩn dụ một cách sâu xa hơn, thì đám đông lại hiểu theo nghĩa đen và phản ứng lại một cách tiêu cực. Họ đã hỏi “Làm thể nào mà chúng tôi có thể ăn thịt và uống huyết của Ngài?” Bạn sẽ tìm thấy sự mù lòa thuộc linh này suốt cả sách Tin Lành của Giăng. Khi Đức Chúa Giê-su nói về sự chết và sự sống lại của Ngài, họ đã nghĩ rằng Ngài đang ám chỉ về sự phá hủy và xây lại đền thờ người Do Thái (Giăng 2:13-22). Khi Chúa Giê-su dạy về “sự sanh lại” của những tội nhân, Ni-cô-đem chỉ nghĩ đến sự sinh sản về thể xác (Giăng 3:1-4). Và khi Ngài nói với người đàn bà Sa-ma-ri về sự thỏa mãn cơn khát thuộc linh, bà lại nghĩ rằng Ngài muốn nói đến việc thỏa mãn cơn khát thuộc thể bằng việc uống nước từ cái giếng (Giăng 4:10-15).

Thậm chí ngay cả những môn đồ của Chúa cũng thường không hiểu về những lẽ thật thiêng liêng mà Đức Chúa Giê-su đã cố gắng để truyền đạt (Giăng 4:31-38; 11:11-16; 13:6-11). Thật ra, có những người theo đạo rất chân thành ngày hôm nay, họ giải nghĩa ẩn dụ về “ăn và uống” theo nghĩa đen và nghĩ rằng Đức Chúa Giê-su muốn nói đến bữa ăn tối của Chúa (Lễ Tiệc Thánh), nhưng sự giải thích này chắc chắn không phải là điều Đức Chúa Giê-su đã nghĩ đến.

Trước hết, tại sao Đức Chúa Giê-su lại muốn nói đến Lễ Tiệc Thánh, một bữa ăn “thân tình” cho những tín đồ, với một đoàn dân Do Thái  vô tín và luôn chống đối Ngài? Ngài thậm chí đã không đề cập đến nó với các môn đồ của Ngài! Và mãi cho đến khi Đức Chúa Giê-su lập nên Lễ Tiệc Thánh với các môn đồ của Ngài ở trên phòng cao, thì chưa có một trong các sách Cựu Ước hay bốn sách Tin Lành nào đã từng dự phần vào đó! Có phải nó có nghĩa rằng không có ai trong suốt thời gian dài đó đã được cứu? Chúng ta biết rằng Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, Ra-háp, Đa-vít, các tiên tri, Ê-li-sa-bét và Xa-cha-ri, Ma-ri và Giô-sép, cùng người đàn bà tại cái giếng đều đã được cứu, nhưng họ đã chưa từng tham dự vào bữa ăn tối của Chúa. Tên trộm cướp ở trên thập tự giá cũng đã chưa một lần ăn bánh hay uống chén, nhưng Đức Chúa Giê-su đã quả quyết rằng anh ta sẽ được lên Thiên Đàng (Lu-ca 23:39-43). Có phải Đức Chúa Giê-su đã khước từ những người lính đã tin vào Đấng Christ trong suốt những giây phút cuối cùng của anh ấy nơi chiến trường, hay những bệnh nhân đang hấp hối trên giường bệnh, bởi vì họ không thể dự phần vào Lễ Tiệc Thánh của Chúa? Tôi nghĩ là không. Đức Chúa Giê-su đã nói, “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ ai tin thì được sự sống đời đời.” (Giăng 6:47). Đó là đức tin nơi Đức Chúa Giê-su Christ và chỉ có đức tin mới có thể cứu tội nhân (Ê-phê-sô 2:8-9).

Những lời dạy của Phao-lô khi đề cập đến Lễ Tiệc Thánh của Chúa (I Cô-rinh-tô 11:23-32) đã rất rõ rằng rằng Lễ Tiệc Thánh chỉ dành cho những người tin Chúa. Chúng ta không tham dự vào Lễ Tiệc Thánh để tội lỗi chúng ta được tha. Tín đồ phải xưng tội trước khi họ dự phần vào hầu cho họ không uống lấy sự xét đoán từ Chúa. Những người vô tín không đến dự để được cứu; và họ hoàn toàn không nên dự phần vào! Còn những tín đồ thật trước hết phải xưng nhận tội lỗi của họ và rồi sau đó mới dự phần vào, bởi vì ăn bánh và uống huyết sẽ không thanh tẩy được họ. Mà phương cách để được trở nên trong sạch đó làm theo lời hướng dẫn trong I Giăng 1:9.

Vậy thì làm thế nào để sau đó chúng ta có thể “ăn” thịt Ngài và “uống” huyết Ngài? Đó là bởi việc tin nhận nơi Chúa Giê-su Christ và tiếp nhận Lời Ngài vào trong tấm lòng của chúng ta. Chúa Giê-su đã nói, “Ấy là thần linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích chi. Những lời ta phán cùng các ngươi đều là thần linh và sự sống. (Giăng 6:63). “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt” ở trong sự hiện thân của Chúa (Giăng 1:14), và những người tin Chúa “được nuôi sống” nhờ vào Chúa Giê-su, Lời hằng sống, mỗi khi họ suy ngẫm vào những Lời được viết ra. Phi-e-rơ đã nhận lấy Sứ điệp này, bởi vì khi Đức Chúa Giê-su hỏi Mười hai Sứ đồ rằng liệu họ cũng sẽ rời bỏ Ngài mà đi như đoàn dân đông, thì Ngài đã nhận được câu trả lời mà Ngài mong đợi. “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời; chúng tôi đã tin, và nhận biết rằng Chúa là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời.” (Giăng 6:68-69). Vậy hãy tin nơi Đức Chúa Giê-su và tiếp nhận Ngôi Lời!

Ngay khi tôi tin nhận Đấng Christ là Chúa và là Đấng Cứu Chuộc, Đức Thánh Linh đã ban cho tôi một tấm lòng khao khát không giới hạn đối với Lời Đức Chúa Trời, và Thánh Kinh trở thành “thức ăn thuộc linh hằng ngày” của tôi từ năm 1945. Tôi đã được “nuôi dưỡng” trong Đức Chúa Giê-su Christ mỗi ngày bằng Lời Ngài, và tôi có thể nói như Gióp, “Tôi chẳng hề lìa bỏ các điều răn của môi Ngài, Vẫn vâng theo lời của miệng Ngài hơn là ý muốn lòng tôi.” (Gióp 23:12). Đức Chúa Giê-su ví sánh mình như một thứ thức ăn bình thường là ổ bánh mì để nói lên tính sâu xa của sự khiêm nhường ở nơi Ngài. Nó cũng cho chúng ta thấy rằng chúng ta không thể sống mà không có Ngài.  Bánh mì được xem như là “thức ăn cơ bản để nuôi sống con người” bởi vì hàng thế kỷ qua nó là thực phẩm căn bản gần như đối với mọi người. Đức Chúa Giê-su Christ là “bánh sự sống”, và chúng ta không thể có một sự sống thiêng liêng – sự sống đời đời –  nếu không có Ngài.

  1. Những phép lạ. Thay vì tiếp nhận Đấng Cứu Thế, đoàn dân đã bắt đầu tranh luận với Đức Chúa Giê-su. Họ bắt đầu đối chiếu phép lạ hóa bánh cho năm ngàn người ăn của Đấng Christ với phép lạ bánh ma-na trong thời Môi-se, khi Đức Chúa Trời cung cấp “bánh từ trời” (Xuất Ê-díp-tô ký 16; cũng xem trong Thi-Thiên 78:24). Đức Chúa Giê-su đã ban bánh cho người Do Thái chỉ một lần duy nhất, nhưng Môi-se đã cho họ ăn đến sáu ngày trong một tuần suốt ba mươi tám năm. Hơn nữa, Môi-se đã cho toàn bộ dân sự ăn, nhưng Đức Chúa Giê-su thì chỉ cho mấy ngàn người ăn. Đức Chúa Giê-su đã dùng bữa trưa của một cậu bé để ban cho bánh, nhưng Môi-se thì lại đem đến bánh từ trời.

Nhưng Đức Chúa Giê-su đã chỉ ra rằng tầm nhìn của họ hoàn toàn lạc hậu! Phép lạ của Ngài vĩ đại hơn bất cứ điều gì mà Môi-se đã làm, bởi vì ma-na chính là hình ảnh Con Đức Chúa Trời, từ trời xuống để trở nên bánh của sự sống. Trong bài giảng của Ngài tại nhà hội, Đức Chúa Giê-su đã đối chiếu Môi-se và bánh ma-na của Cựu Ước với chính Ngài là bánh sự sống. Cụm từ “bánh sự sống” có ý nghĩa như “bánh hằng sống” hay “bánh ban sự sống”. Bảng tóm tắt sau đây sẽ cho ta thấy Đức Chúa Giê-su vĩ đại thế nào và tính cấp bách của việc tội nhân cần phải tin Ngài và nhận lấy sự sống đời đời ra sao.

 

Ma-na của Cựu Ước                                     Chúa Giê-su, Bánh của Sự Sống

Đáp ứng nhu cầu thể xác tạm thời                  Đáp ứng nhu cầu tâm linh đời đời

Chỉ duy trì sự sống của thể xác                       Truyền đến sự sống đời đời

Chỉ cho một dân tộc, là Y-sơ-ra-ên                  Cho toàn thế gian (Giăng 6:51)

Chỉ trong ba mươi tám năm                            Từ thời A-đam cho đến tận thế

Chúa không phải trả bất kỳ giá nào                 Giá rất đắt: Chúa Giê-su phải chịu chết

Chỉ làm chậm trễ sự chết về thể xác               Đắc thắng sự chết thuộc linh

Chúa đem đến một món quà                           Đấng ban cho mọi món quà

Năm lần trong bài giảng của Ngài, Đức Chúa Giê-su đã khẳng định rằng Ngài “từ trên trời xuống” (Giăng 6:33,38,50,51,58), hai lần đoàn dân đã lặp lại lời Ngài (Giăng 6:41,42); và năm lần Ngài nói rằng chính Đức Chúa Cha đã sai Ngài đến (Giăng 6:29,38,39,44,57). Mười lần quả quyết từ Đức Chúa Giê-su đã chỉ cho chúng ta một lẽ thật vĩ đại: Ngài chính là Con Đức Chúa Trời, Ngài từ trời xuống và được Đức Chúa Cha sai đến. Ma-na trong thời Cựu Ước đã đến từ trời bởi vì Đức Chúa Cha ban cho, và nó chính là hình ảnh đại diện cho Đức Chúa Giê-su Christ.

Trước hết, ma-na là một vật thể kỳ lạ mà ta không thể nào giải thích được. Thật ra, thì chữ ma-na là từ câu hỏi tiếng Hê-bơ-rơ man hu, nghĩa là “vật chi vậy” (xem trong Xuất Ê-Díp-Tô Ký 16:15). Phao-lô gọi Đức Chúa Giê-su là “sự mầu nhiệm của sự tin kính” (I Ti-mô-thê 3:16). Bởi chưng Đức Chúa Giê-su đã có mặt từ ngàn xưa trước cả khi Ma-ri được sinh ra, Ngài đã được sinh ra không theo cách tự nhiên. Nhưng Ngài được thai dựng bởi Đức Thánh Linh trong tử cung của người nữ đồng trinh Ma-ri (Lu-ca 1:26-38) và chính vì vậy Ngài có cả nhân tánh và thần tánh, là Con Đức Chúa Trời vô tội và còn đến đời đời. Chúng ta không thể lý giải được sự mầu nhiệm của sự tin kính, nhưng chúng ta phải cảm tạ Đức Chúa Trời và chia sẻ nó trong phước hạnh!

Xuất Ê-Díp-Tô Ký 16:14 miêu tả về ma-na như “vật chi nhỏ, tròn, như hột sương đóng trên mặt đất,” và câu 31 cho chúng ta biết nó giống như hột ngò, sắc trắng, và mùi như bánh ngọt pha mật ong. “Màu trắng” nói lên sự thuần khiết và kích thước nhỏ của hạt nói lên sự khiêm tốn, cả hai đều miêu tả về Đức Chúa Giê-su. Đức Chúa Trời đã ban ma-na tại nơi nào mà dân sự Ngài đóng trại, và nó không cần phải tìm kiếm. Trong sự hiện thân của Ngài, Đức Chúa Giê-su đã đến với thế gian chúng ta và trở nên như chúng ta, chỉ trừ việc Ngài là Đấng vô tội. Bánh ma-na đã đến trong buổi đêm, Đức Chúa Giê-su cũng đã đến nơi thế gian đầy tối tăm và tội lỗi (Ma-thi-ơ 4:15-16). Ma-na thì không bị nhơ bẩn bởi vì nó đến trên lớp sương, cũng giống như Đức Chúa Giê-su, Ngài ở trong thế gian này nhưng không thuộc về thế gian bởi vì Đức Thánh Linh đã đổ đầy trên Ngài, hướng dẫn Ngài, và ban năng quyền cho Ngài (Giăng 17:13-18; Dân-số ký 11:9).

Trong suốt ba mươi tám năm, ma-na luôn có đủ để thỏa đáp nhu cầu về thể chất của dân Y-sơ-ra-ên. Tất cả mọi điều họ phải làm là thức dậy sớm (“Hãy tìm kiếm Đức Giê-hô-va đang khi mình gặp được;” Ê-sai 55:6), cúi mình xuống (“Vậy, hãy hạ mình xuống” I Phi-e-rơ 5:6), lượm bánh từ trời và ăn nó (“Khá nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt lành dường bao!” Thi-Thiên 34:8). Nếu họ không thu lượm ma-na, tức là họ đã giày đạp trên nó (Hê-bơ-rơ 10:29)! Đoàn dân lắng nghe Đức Chúa Giê-su đã rời bỏ bánh của sự sống. Thật là bi thảm! Họ đã khước từ Đức Đức Chúa Giê-su và trở về với sự khó nhọc của mình cũng như dùng đồng tiền để mua bánh mà không được thỏa mãn. Mọi người vẫn đang làm việc ngày hôm nay. Ngay cả khi Đức Chúa Giê-su đã phó sự sống của Ngài để cứu chuộc thế gian (Giăng 6:51), thì thế gian vẫn từ khước Ngài. Nhưng Đức Chúa Cha vẫn dùng Lời Đức Chúa Trời để kéo tội nhân trở về cùng Con Ngài (Giăng 6:44-45). Hễ những ai đến bởi đức tin (Giăng 6:35,37,44-45,65) thì sẽ không bị bỏ ra ngoài (Giăng 6:37). Đức Chúa Trời, Đấng Cứu Chuộc chúng ta muốn cho “mọi người được cứu rỗi” (I Ti-mô-thê 2:4) và Ngài không muốn cho “một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (II Phi-e-rơ 3:9).

  1. Sự giả mạo. Những sự kiện đáng chú ý được ghi lại trong Giăng 6 đã không kết thúc bằng việc Đức Chúa Giê-su khen ngợi Phi-e-rơ nhưng là việc Đức Chúa Giê-su đã cảnh báo Do Thái (Giăng 6:66-71). Trong nguyên bản Hy-Lạp, Do Thái Ích-ca-ri-ốt được đề cập đến tám lần trong sách Tin Lành Giăng (Giăng 6:71;12:4;13:2,26,29;18:2,3,5), và đây là lần đầu tiên ông được nhắc đến. Phi-e-rơ nghĩ rằng ông đang nói về chính mình cũng như các môn đồ khi khẳng định sự trung thành của ông với Đức Chúa Giê-su, nhưng ông và mười môn đồ khác đã không thể nghĩ rằng Do Thái là một kẻ lừa dối và sẽ phản Ngài cho những kẻ thù nghịch. Dĩ nhiên, Đức Chúa Giê-su đã biết và gọi Do Thái là quỉ (người tố cáo, kẻ vu cáo). Suốt thời gian Do Thái ở với Đức Chúa Giê-su, ông đã có rất nhiều cơ hội để học biết về Thầy mình một cách kỹ lưỡng, lắng nghe những Sứ điệp của Ngài, cũng như chứng kiến những phép lạ của Ngài; Nhưng, cuối cùng, thì ông cũng đã khước từ Đấng Christ và phản bội Ngài!

            Do Thái đã giữ trong lòng sự lừa dối tôn giáo quá hiệu quả đến nỗi không một người bạn nào trong các môn đồ đã biết rằng ông là một người vô tín và một kẻ lừa dối.

Khi đến lúc phải quyết định về Đức Chúa Giê-su Christ, chúng ta sẽ có ba lựa chọn: (1) tin vào Ngài và được cứu rỗi, giống như mười một môn đồ kia đã làm; (2) khước từ Ngài nhưng giả vờ như được cứu, như chính Do Thái đã làm; hay (3) từ chối Ngài cách công khai và bỏ đi, giống như đoàn dân đông đã làm. Trong một ví dụ của Ngài về lúa mì và cỏ lùng (Ma-thi-ơ 13:24-30, 36-43), Đức Chúa Giê-su đã giải thích rất rõ ràng rằng sẽ có những Cơ Đốc Nhân giả mạo giống như Do Thái xen lẫn với những đứa con thật của Đức Chúa Trời, nhưng cuối cùng đến ngày tận thế chúng sẽ bị phơi bày và chịu đoán phạt. Sa-tan là một kẻ giả mạo làm thiên sứ sáng láng và những kẻ giúp việc nó cũng vậy (II Cô-rinh-tô 11:13-15). Do Thái đã không đánh mất sự cứu rỗi của mình (nếu điều đó xảy ra) bởi vì ngay từ ban đầu ông đã không được cứu rỗi. Không lạ gì khi Đức Chúa Giê-su đã cảnh báo về những tín đồ giả mạo (Ma-thi-ơ 7:21-23) và Phao-lô cũng đã viết, “Chính anh em hãy tự xét để xem mình có đức tin chăng. Hãy tự thử mình” (II Cô-rinh-tô 13:5).

Chúng ta sống trong một thế giới đầy những con người đang đói và họ luôn tìm kiếm cho cuộc sống những thực tế mà không sao tìm thấy được. Họ trả tiền để mua đồ không phải là bánh và đem công lao mình đổi lấy vật chẳng làm cho no (Ê-sai 55:2). Tại sao lại như vậy? Bởi vì chúng ta đang vui với những bữa tiệc mà không hề nói về Đức Chúa Giê-su, là bánh của sự sống cho họ. Chúng ta cũng không hề giúp đỡ người khác để có thể nói về Chúa cho họ. Một ngày nào đó họ sẽ nói với chúng ta rằng, “Vì ta đói, các ngươi không cho ăn;” và Chúa chúng ta sẽ đáp lại rằng: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi không làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy, ấy là các ngươi cũng không làm cho ta nữa.” (Ma-thi-ơ 25:42,45).

Và rồi chúng ta sẽ nói gì đây?