Ai Đã Giết Chúa Giê-xu?

(Phỏng theo Phúc Âm Ma-thi-ơ 23, 26, 27; Giăng 18, 19)

Sự hy sinh của Chúa Giê-su trên thập tự giá đã trở thành đề tài cho thi ca, phim ảnh, kịch nghệ, sử

liệu và tranh vẽ, vân & vân … Sự kiện độc tôn nầy trong lịch sử của con người đã trở thành một phần văn hóa của mọi dân tộc, và không có quyền lực nào đánh đổ được. Riêng trong thánh đường, mỗi năm vào tháng Tư, tất cả những nghi lễ, bài ca, bài giảng, câu Kinh đều có chung một chủ đề hướng về sự thương khó, chết, chôn và sống lại của Chúa Giê-su cho nhân loại. Nhưng có mấy ai đặt câu hỏi “Thật sự ai đã giết Chúa Giê-su?”

Sứ đồ Giu-đa? Khi nhắc đến cái chết của Chúa Giê-su trên cây thập tự thì cái tên Giu-Đa luôn được nhớ đến đầu tiên như là kẻ phản Chúa vì ông đã bán Chúa và chỉ Ngài ra bằng một cái hôn nên ông bị mang danh là “kẻ phản bội”. Nhưng những sứ đồ khác thì sao? Họ đều bỏ Chúa Giê-su chạy trốn để giữ lấy mạng sống của mình, mặc dầu họ đã thề quyết không bỏ Ngài. Chỉ có Sứ đồ Phi-e-rơ theo xa xa nhưng ông đã chối Chúa ba lần. Còn Sứ đồ Phao-lô thì bị gọi là kẻ “bắt bớ Chúa”. Như vậy thì các sứ đồ cũng không ai tránh khỏi cái danh “kẻ phản bội”. Chỉ khác một điều là Sứ đồ Giu-đa đã ân hận và tự hủy hoại chính mình, đánh mất cơ hội gặp Chúa Phục Sinh để nhận được ân điển.

Điểm nữa ở đây là Chúa Giê-su đã biết trước về sự phản bội của Sứ-đồ Giu-đa thì lẽ nào Ngài lại có thể sa vào mưu mô toan tính của ông được. Đã biết, thì sự vô hiệu hóa mưu mô đó dễ dàng như sự sấp ngữa bàn tay. Hơn nữa, Các sứ đồ sẽ bao vệ Ngài như họ đã làm ở vườn Ghết-xé-ma-nê, nếu họ được lịnh của Ngài, nhưng Ngài đã thản nhiên để cho Sứ-đồ Giu-đa hành động theo sự tính toán của ông. Ngài chỉ nhắc nhở ông. Chúa Giê-su là Đấng Tạo Hóa. Sứ-đồ Giu-đa là vật thọ tạo của Ngài. Lẽ nào mưu mô nhỏ của một vật thọ tạo có thể giết được Đấng toàn năng? Không có khả năng nầy! Như vậy, Sứ-đồ Giu-đa và sự phản bội của ông không giết được Chúa Giê-su. Dầu vậy, ông không thoát khỏi tội mưu giết Chúa.

Người Do-Thái? Những nhà lãnh đạo Do-Thái giáo lợi dụng địa vị và uy tín của mình trong chức vụ, đặt ra những nghi lễ, đạo luật và tập tục giam cầm dân Do-Thái trong khuôn khổ của họ. Lắm lúc những điều họ đặt ra trái với sự dạy dỗ của Chúa, bóp méo luật pháp của Ngài, nhưng họ vẫn áp đặt nó trên dân sự nhằm mục đích củng cố uy tín, địa vị, và lợi riêng của mình. Chúa Giê-su đã lên án gay gắt sự giả nhân giả nghĩa của họ. Chúa gọi họ là những kẻ giả hình, đạo đức giả và là kẻ mù dẫn đường nên họ có dã tâm muốn giết Chúa Giê-su. Họ tìm cách bắt bẻ Chúa trong đạo luật của Ngài, nhưng họ không thắng được Ngài, và họ cũng sợ dân chúng vì Ngài dạy dỗ có thần quyền. Cuối cùng họ gán cho Ngài cái tội phạm thượng vì Ngài cho mình bình đẳng với Đức Chúa Trời.

Dĩ nhiên, đây là một sự vu khống vì Ngài chỉ xưng ngôi vị của chính Ngài thì làm thế nào phạm thượng được, nhưng họ không chấp nhận được chân lý nầy, và lần nầy họ được sự ủng hộ của số đông, và họ đưa Ngài ra toà vì hình tội nầy. Khi có sự lựa chọn để tha tên cướp và giết người Ba-ra-ba hay Chúa Giê-su thì đám đông đã van xin Quan toà Phi-lát thả Ba-ra-ba và đóng đinh Chúa Giê-su. Khi Quan toà Phi-lát tuyên bố Chúa Giê-su vô tội thì đám đông la lên rằng “xin huyết người nầy đổ lại trên đầu chúng tôi và con cái chúng tôi.” Căn cứ trên sự kiện nầy mà nền văn học tôn giáo Do-Thái đã cho rằng người Do-Thái đã giết được Chúa Jesus (Sanhedrin of  the Babylonian Talmud, ToledotYeshu), và nó đã được lưu truyền cho đến giữa thế kỷ 19th thì mới được làm sáng tỏ phần nào, nhưng vẫn còn nhiều người tin điều nầy có khả năng xảy ra.

Sư thật thì điều nầy không có khả năng. Thứ nhất về mặt luật pháp thời đó, người Do-Thái không có quyền giết hại một ai vì họ ở dưới sự đô hộ của chính quyền La-mã. Người La-mã mới có quyền định đoạt sự sống chết của người Do-Thái. Thứ hai, Chúa Giê-su có khả năng thoát khỏi vòng tay của những người lính và đám đông như Ngài đã thoái khỏi đám đông khi họ muốn ép Ngài lên làm vua. Như vậy, gươm giáo và sức mạnh của đám đông không thể kềm giữ Chúa Giê-su thì họ không có khả năng giết được Ngài mặc dầu họ lã lập mưu để giết Ngài.

Người La-mã? Trong thời của Chúa Giê-su, người La-mã đô hộ xứ Do-Thái. Ở Giê-ru-sa-lem, Quan Tòa Phi-lát, đại diện cho chính quyền La-mã nắm quyền sinh tử của dân Do-Thái. Ông nhận biết Chúa Giê-su không có tội. Họ bắt và nạp Ngài cho ông vì lòng ganh tỵ. Ông có quyền tuyên bố Chúa Giê-su trắng án và thả Ngài ra, nhưng vì áp lực của dân chúng và lý do chính trị nên ông phải nhượng bộ, và sai đánh đòn Chúa Giê-su rồi giao cho lính hành hạ và đóng đinh Ngài. Chúng ta không thể trách Quan tòa Phi-lát. Ông không phải là người Do-Thái, không hiểu “lẽ thật”. Lẽ thật đối với ông là làm thế nào giữ xứ Do-thái trong sự hòa bình để ngôi vị của ông không bị lung lay, nên ông hành động theo bản năng tự vệ mà bỏ rơi trách nhiệm của mình.

Dường như người La-mã có quyền trên Chúa Giê-su, nhưng thật sự thì chính Chúa Giê-su làm chủ động phiên tòa. Ngài chỉ trả lời những câu hỏi để tỏ quyền tề trị của Ngài. Nếu Ngài không cho phép thì không ai có quyền gì trên Ngài. Sức mạnh quân sự của người La-mã là sự bất lực vì Ngài có hơn mười hai đạo thiên sứ sẵn sàng bảo vệ Ngài.Trong lúc tính mạng bị đe doạ, Ngài không hề sợ hãi, không nghĩ đến sự an nguy của chính mình mà lại chữa lành thương thích cho người khác. Ở đây, Ngài đã bày tỏ thần quyền và lòng thương xót cùng một lúc. Như vậy, Người La-mã không có khả năng giết được Ngài, nhưng họ cũng không thoát khỏi tội đồng lõa lập mưu giết Chúa.

Chim Trời? Cái chết trên thập tự giá là một cái chết từ từ trong đau đớn cùng cực, cô đơn, tủi nhục và bị bỏ rơi. Người bị treo trên thập tự giá ngoài việc phải chịu sự đau đớn không ngừng của thể xác còn phải chịu sự lạnh lẽo đày đọa về đêm,và sự nóng bức ban ngày khiến họ ngất đi, tỉnh lại nhiều lần cho đến khi kiệt sức.Trong khi nửa tình nửa mơ, chim trời đến moi mắt, đục tai, thậm chí còn moi não ra để ăn. Khiến cho người ta chết một cách đau đớn chậm chạp trong tiếng gào thét trong chốn không người. Nhưng Chúa Giê-su thì khác, lúc bị treo trên thập tự giá, Ngài vẫn còn tỉnh táo. Ngài gởi bà Ma-ri cho một sứ đồ chăm sóc. Ngài trò chuyện với một trong những người bị treo với Ngài. Ngài vẫn tin cậy nơi Chúa Cha.

Những dữ kiện nầy chứng minh rằng cái đau của thể xác không làm cho Chúa Giê-su bị suy thoái về tinh thần; Ngài vẫn còn minh mẫn cho đến hơi thở cuối cùng. Ngài gọi “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức ChúaTrời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” rồi Ngài kêu lên một tiếng lớn và trút linh hồn. Những điều nầy chứng tỏ Chúa Giê-su không bị chết bởi sự hành hạ, bởi sự bị treo trên thập tự giá, hay bởi chim trời. Không gì có khả năng cướp đi sự sống của Đấng hằng sống toàn năng.

Chúng Ta? Đối với những người đã tiếp nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa, chúng ta thường nghe và nhận rằng mỗi khi chúng ta phạm tội, là chúng ta đã đóng đinh Ngài trên thập tự giá, thậm chí chúng ta đã làm cho ngọn giáo đâm vào sườn Ngài lún sâu hơn, làm cho tâm khảm Ngài càng sầu não hơn, lời cầu xin của Ngài cho chúng ta càng thảm thiết hơn,và là chúng ta đã đồng lòng với những kẻ đã la lên rằng đóng đinh nó trên thập tự giá. Nhưng nếu chúng ta cho rằng những sự làm tổn thương đó đồng nghĩa với sự giết Chúa thì chúng ta hãy nghiệm lại thần học của mình. Không ai có khả năng giết được Đấng hằng sống toàn năng. Chúng ta là vật thọ tạo, chúng ta không có khả năng và quyền hành gì trên Đấng Sáng Tạo.

Đối với những người không tiếp nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa thì sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá cho tội lỗi của họ vẫn còn đó. Chấp nhận hay không tùy mỗi người, nhưng sự việc Ngài đến để làm giá chuộc tội cho mọi người không thay đổi. Thánh Kinh chép rỏ ràng rằng cái giá phải trả cho sự lựa chọn của mình trong khi còn sống trên đời nầy một là sự sống đời đời trong Ngài, hai là sự sống đời đời ngoài Ngài, mà sự chết trên thập tự giá là hình ảnh của sự sống đời đời không có Ngài. Còn con người không có khả năng giết Đấng hằng sống toàn năng.

Vậy Thì Ai? Không có ai, không có gì có khả năng giết Chúa Giê-su là Đấng hằng sống toàn năng, nhưng chính Ngài đã tự bỏ mình đi, tự cất mạng sống mình theo ý muốn của Đức Chúa Cha để cứu những ai tiếp nhận Ngài. Nhưng sự chết của Chúa không phải là ca khúc khải hoàn của người Cơ-Đốc. Sự sống lại của Ngài mới là ca khúc khải hoàn của người Cơ-Đốc, mới là hy vọng cho những kẻ tin Ngài. Vì Ngài sống nên những kẻ tin ngài cũng được sống như Ngài.

Thánk Kinh tóm gọn niềm tin của người Cơ-Đốc trong câu “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin Danh Ngài”(Giăng 1:12).” Tin rằng mình có tội cần được tha thứ. Tin rằng Chúa Giê-su đã chết thay cho tội lỗi của mình trên thập tự. Tin rằng Ngài đã sống lại và ban sự sống đời đời cho những kẻ đã tin nhận Ngài.

Kính mong quí vị tìm được sự sống đời đời trong mùa phục sinh nầy.

Giáo sĩ/Minister Đỗ Khắc Mẫn

Mankdo0510@gmail.com

 

(Website ghi chú: Đức Chúa Giêxu phán rằng: “Này, tại sao Cha yêu Ta: Ấy vì Ta phó sự sống mình để được lấy lại. Chẳng có ai cất sự sống Ta đi, nhưng tự Ta phó cho; Ta có quyền phó sự sống, và có quyền lấy lại; Ta đã lãnh mạng lịnh này nơi Cha Ta.” – Phúc Âm Giăng 10.17-18)